Trí tuệ nhân tạo AI giờ đây đúng là “người bạn vàng” của các doanh nghiệp, từ việc viết bài quảng cáo, mô tả sản phẩm, đến soạn caption cho mạng xã hội. Dùng AI, bạn có thể tạo nội dung nhanh như chớp, tiết kiệm cả đống thời gian. Nhưng mà, nội dung AI đôi khi hơi “máy móc”, thiếu cái hồn mà khách hàng Việt Nam thích, hoặc không đúng với phong cách của doanh nghiệp. Muốn biến nội dung AI thành bài viết “đốn tim” người đọc? Đừng lo, bài viết này sẽ chia sẻ 5 bước đơn giản kèm checklist, cùng các ví dụ từ những thương hiệu Việt siêu quen thuộc, để bất kỳ doanh nghiệp nào – từ quán cà phê đến cửa hàng thời trang – cũng có thể áp dụng để tạo nội dung đỉnh cao!
Mục lục
Tại sao cần chỉnh sửa nội dung AI?
Nội dung do AI tạo ra, dù đúng ngữ pháp và đầy đủ thông tin, thường thiếu sự gần gũi hoặc không đúng với “vibe” của thương hiệu. Ví dụ, AI có thể viết một bài quảng cáo về trà sữa đúng chuẩn nhưng lại thiếu cái chất trẻ trung, vui tươi mà Gen Z thích. Hoặc khi viết về một sản phẩm thủ công, AI có thể đưa ra mô tả khô khan, không toát lên được tinh thần “handmade” mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Chỉnh sửa nội dung AI sẽ giúp:
Đúng thông tin: Tránh sai sót hoặc nội dung không phù hợp với thị trường Việt Nam.
Trí tuệ cảm xúc: Nội dung AI thường thiếu sự pha trộn cảm xúc trực quan đến từ trải nghiệm sống.
Bối cảnh văn hóa: Văn hóa định hình nhận thức, cách nói, giao tiếp, giọng điệu và cách viết của con người. Loại tư tưởng và tư duy được định hình bởi văn hóa này rất khó để làm việc với nội dung tạo ra bởi AI, nếu có không có các mẫu ngữ cảnh để AI học theo.
Gần gũi & Tăng sức hút hơn: Làm nội dung “đậm chất Việt”, từ cách nói dí dỏm đến câu chuyện thân thuộc. Thêm cảm xúc, sáng tạo để khách hàng muốn đọc và chia sẻ.
5 bước chỉnh sửa nội dung AI với các ví dụ từ các thương hiệu Việt
Bước 1: Đánh giá cấu trúc và bức tranh toàn cảnh
Đầu tiên, bạn cần đọc toàn bộ văn bản tạo bởi AI sau đó đánh giá lại vấn đề logic dựa trên cấu trúc nội dung từng phần, hoặc cấu trúc các thẻ Title, H1, H2… để biết rằng nội dung bên trong phù hợp với tiêu đề không. Sau đó là loại bỏ các nội dung thừa, nội dung không hỗ trợ cho câu hỏi mà bạn muốn tìm kiếm. Đây là quá trình sắp xếp các ý chính trước khi hoàn thiện câu.
Thay vì bắt lỗi ngữ pháp, bạn thử đọc xem: Đoạn văn này có hợp lý không? Liệu giao tiếp của con người với nhau có như vậy hay không? Và câu hỏi quan trọng nhất là: Liệu nội dung này có đáp ứng được mục đích của người dùng không?
Bạn cần đảm bảo rằng cấu trúc được tối ưu hóa để tăng tốc độ đọc hiểu và giúp người dùng giải quyết ý định trong tìm kiếm của họ.
Nếu các phần không theo thứ tự hoặc không liên quan, bạn cần sắp xếp lại chúng. Nếu AI cho ra các câu lặp lại ở nhiều đoạn trên bài viết (thường gọi là “AI bị ngáo”), lúc này bạn cần hợp nhất hoặc cắt bỏ.
Bước 2: Kiểm tra tính chính xác và độ phù hợp
Nội dung AI đôi khi giống như bạn kể chuyện từ “hành tinh khác” – đúng thì đúng, nhưng chưa chắc hợp với khách hàng Việt. Chẳng hạn, nếu bạn dùng AI để viết bài quảng cáo cho Phúc Long, AI có thể đưa ra thông tin về trà nhưng lại thiếu chi tiết về truyền thống 50 năm của thương hiệu. Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ để đảm bảo nội dung đúng và phù hợp với mục đích.
Bạn cần:
- Kiểm tra số liệu, ngày tháng, và thông tin thực tế bằng cách đối chiếu với nguồn chính thức, như website của doanh nghiệp.
- Đảm bảo nội dung phù hợp với văn hóa Việt Nam, ví dụ: tránh dùng từ quá trang trọng khi nhắm đến Gen Z.
- Xác minh nội dung có đúng với giá trị thương hiệu, như “truyền thống” của Phúc Long hay “trẻ trung” của một shop thời trang như Yame.
- Loại bỏ các phần thừa thãi, như mô tả dài dòng không liên quan đến sản phẩm.
Bước 3: Điều chỉnh giọng điệu cho đúng “vibe” thương hiệu – “Nhân cách hóa” nội dung AI
AI thường viết với giọng điệu trung tính. Muốn nội dung “chạm” được khách hàng, bạn cần chỉnh lại để đúng với phong cách của doanh nghiệp, có thể là phong cách viết dí dỏm cho quán trà sữa hay tinh tế cho cửa hàng đồ thủ công.
Bạn cần:
- Xác định giọng điệu thương hiệu: Ví dụ, Highlands Coffee thường dùng giọng trẻ trung, gần gũi; Biti’s Hunter thì năng động, cá tính.
- Thay các từ chung chung bằng từ ngữ đặc trưng, như “ngon tuyệt” thay vì “tốt” cho một bài quảng cáo đồ ăn.
- Đảm bảo ngôn ngữ phù hợp với kênh, ví dụ nói ngắn gọn, vui tươi cho TikTok, hoặc chi tiết, chuyên nghiệp cho website.
- Thay thế bằng cách nói mà trong giao tiếp chúng ta thực sự sử dụng.
- Cắt bỏ những câu vô nghĩa mà AI thích thêm vào (“Điều quan trọng cần lưu ý là…” hoặc “Như chúng ta có thể thấy từ phần trên…”).
- Thêm chút cảm xúc, như câu hỏi “Bạn đã thử ly trà sữa thơm ngon này chưa?” để lôi kéo người đọc.
Ví dụ: AI viết caption cho Yame: “Áo thun chất lượng cao, phù hợp mọi lứa tuổi”. Bạn có thể chỉnh thành: “Áo thun Yame – chất lừ, mặc là mê, bạn đã sẵn sàng phá đảo chưa?”. Cách này giúp bài viết trẻ trung, đúng “vibe” của Yame.
Bước 4: Thêm giá trị nhân văn mà chỉ bạn mới có thể đưa vào
Nội dung AI thường hơi khô khan, thiếu cái “chất” để khiến khách hàng nhớ mãi. Doanh nghiệp cần thêm yếu tố sáng tạo, như câu chuyện, hình ảnh ẩn dụ, hoặc lời kêu gọi hành động (CTA) để nội dung sống động hơn.
Bạn có thể bổ sung:
- Thêm câu chuyện thực tế, như kể về một khách hàng dùng sản phẩm Biti’s Hunter để chinh phục một chuyến trekking.
- Thêm ý kiến, quan điểm & Những hiểu biết sâu sắc đến từ chuyên môn cá nhân.
- Trích dẫn từ nền văn hóa hoặc các tác phẩm mà mình tâm đắc.
- Phép ẩn dụ – nét đặc trưng nền văn hóa phương đông, văn chương, điển tích.
Ví dụ: AI viết mô tả cho Highlands Coffee: “Cà phê đậm đà, giá hợp lý”. Bạn có thể chỉnh thành: “Thức dậy với ly cà phê Highlands, đậm đà như chính năng lượng của bạn – sẵn sàng thử chưa?”. Cách này làm nội dung gần gũi và lôi cuốn hơn.
Bước 5: Kiểm tra lần cuối và thử nghiệm trước khi tung ra
Trước khi đăng bài, hãy kiểm tra thật kỹ để chắc chắn nội dung “chất lượng” từ A đến Z.
Cần tập trung vào:
Mở/Kết: Phần giới thiệu hấp dẫn người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nội dung bao gồm các yếu tố thu hút người đọc (câu hỏi, đoạn hội thoại…) và lời kêu gọi hành động. Tất cả các câu đều trôi chảy.
Ý định của người dùng: Nội dung được sắp xếp hợp lý và giải quyết chủ đề hoặc từ khóa một cách trọn vẹn, không lạc đề.
Tính chính xác: Tất cả các sự kiện, số liệu thống kê, tên riêng và tuyên bố đều đã được xác minh. Không có lỗi đánh máy và lỗi ngữ pháp. Các nguồn được trích dẫn cho các sự kiện quan trọng, cho thấy độ tin cậy. Không có thông tin lỗi thời.
Giọng điệu và giọng văn: Bài viết có giọng điệu gần gũi với con người và phù hợp với giọng văn của thương hiệu (ví dụ: thân thiện, chuyên nghiệp, dí dỏm…).
Khả năng đọc: Các câu và đoạn văn ngắn gọn và dễ đọc. Thuật ngữ chuyên ngành được giải thích hoặc đơn giản hóa. Định dạng (tiêu đề, danh sách…) hỗ trợ thói quen đọc lướt.
Xóa bỏ các đoạn AI bị sai sót: Không có cụm từ hoặc ý tưởng bị lặp lại quá mức. Nội dung thừa được cắt bớt. Ngôn ngữ đa dạng và thú vị.
Tối ưu hóa tìm kiếm: Dựa trên ý định của người dùng, tiêu đề, từ khóa, liên kết nội bộ) mà không làm giảm khả năng đọc.
Con số thực tế: Kiểm tra thực tế mọi số liệu thống kê, ngày tháng, tên riêng…
Call to action: Thêm lời kêu gọi hành động hoặc câu hỏi thu hút người đọc.
Sau khi đăng, dùng Google Analytics hoặc Facebook Insights để đo tỷ lệ nhấp (CTR) và tương tác.
Kết luận
Nội dung AI là một “trợ thủ” siêu xịn, nhưng để thực sự “đốn tim” khách hàng, bạn cần chỉnh sửa khéo léo để thêm cái hồn và sự gần gũi. Với 5 bước đơn giản, bạn có thể biến nội dung AI thành những bài viết “chất như nước cất”. Và hãy nắm điểm mấu chốt này: Biên tập nội dung bằng AI chính là nâng cao đầu ra bằng các yếu tố mà AI không thể thay thế con người, giúp nội dung thực sự hấp dẫn. Cho dù đó là thông qua việc bổ sung kinh nghiệm sống, hiểu biết văn hóa, chiều sâu cảm xúc hay lối hành văn giống giao tiếp… vai trò của chúng ta là trở thành cầu nối giữa hiệu quả tính toán của AI và kết nối của con người.
Cô Trần Thị Thùy Dương – Giảng viên FPT Skillking