CSR là một thuật ngữ tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên đối với các quốc gia phát triển trên thế giới, đây lại là tiêu chí vô cùng quan trọng trong việc đánh giá một doanh nghiệp. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết CSR là gì đồng thời đưa ra một vài ví dụ điển hình của CSR tại Việt Nam.
Mục lục
1. CSR là gì?
CSR viết tắt của Corporate Social Responsibility hay còn được biết tới là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đây là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong kinh doanh và được áp dụng trong bộ luật nhằm nhấn mạnh sự cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh và việc đóng góp trong phát triển kinh tế.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở đây được hiểu là sự hợp tác cùng thắng lợi giữa doanh nghiệp với nhân viên, người lao động, cộng đồng, xã hội. Sự cộng hưởng này sẽ làm cho sự phát triển kinh tế trở nên bền vững khi mà chất lượng cuộc sống của người lao động nói riêng được cải thiện đồng thời vẫn mang lại sự tăng trưởng, lợi ích cho doanh nghiệp nói chung.
2. Tại sao doanh nghiệp cần thực hiện CSR?
Thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp ích rất nhiều trong việc xây dựng hình ảnh, tên tuổi của doanh nghiệp. Hơn hết, đây là một việc nên làm vì những lợi ích lâu dài, không chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người.
-
Gia tăng lợi thế cạnh tranh
Việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp cho doanh nghiệp xây dựng được một hình ảnh chân chính, lương thiện. Điều này càng làm tăng khả năng chiến thắng trong việc chinh phục khách hàng đồng thời nhận được sự ủng hộ đông đảo của xã hội. Chính vì vậy mà vị thế thương hiệu của doanh nghiệp càng được nâng tầm, từ đó công ty có thể gia tăng lợi nhuận từ việc khai thác tối ưu các lợi thế mình đang có.
-
Thu hút nguồn nhân sự “chất lượng”
Một doanh nghiệp luôn tích cực thực hiện các hoạt động xã hội, chăm sóc tới cuộc sống của nhân viên sẽ có thể thu hút nguồn lao động giỏi có năng lực nhằm tăng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt. Ngoài ra, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội còn giúp doanh nghiệp giữ chân được những nhân viên có chuyên môn.
-
Thu hút các nguồn đầu tư bên ngoài
Việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cộng đồng sẽ thể hiện được trình độ văn minh của một tổ chức, và khi công ty là một doanh nghiệp chân chính, điều này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội sau đó vì bất kỳ ai cũng muốn hợp tác lâu dài với những doanh nghiệp vừa “có tâm” lại vừa “có tầm”. Từ đó doanh nghiệp sẽ rất dễ nhận được các lời mời hợp tác đầu tư, hỗ trợ vốn từ bên ngoài.
-
Tránh mọi rủi ro về các sự cố pháp luật
Trách nhiệm xã hội là một trách nhiệm liên quan mật thiết đến với luật kinh doanh cũng như các quy chuẩn xã hội. Nếu doanh nghiệp của bạn đã đảm bảo tuân thủ và chấp hành nghiêm túc đầy đủ các quy định của nhà nước về CSR, bạn sẽ không phải lo ngại về các rắc rối mà mình có thể mắc phải.
Việc không vướng vào vòng quay pháp luật sẽ giúp công ty bạn tập trung vào kinh doanh, không bị mất uy tín trong mắt khách hàng hay đối tác. Thế nên, việc chấp hành CSR sẽ giúp bạn tránh những thiệt hại không đáng có. Hơn thế nữa, doanh nghiệp còn có thể được hưởng các ưu đãi trong các hoạt động kinh doanh từ nhà nước như: ưu đãi về thuế quan, ưu đãi về việc thuê đất, sử dụng đất,…
3. Các loại CSR doanh nghiệp cần thực hiện
Có rất nhiều khía cạnh của trách nhiệm xã hội để một doanh nghiệp cần đảm bảo. Tuy nhiên, bốn trong số đó là các trách nhiệm cấp thiết cũng như các vấn đề then chốt để sự phát triển bền vững đi đôi với lợi ích lâu dài của cả hai bên.
Trách nhiệm xã hội về môi trường
Đảm bảo môi trường sống luôn là điều kiện tiên quyết giúp cho doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên đây cũng là bài toán khó mà rất nhiều các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ mắc phải bởi chi phí dành cho việc bảo vệ môi trường là tương đối tốn kém.
Vì thế, đây là một trách nhiệm dài lâu và cần nhiều nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp cùng nhau nghiêm túc chấp hành và hợp tác để giảm thiểu những thiệt hại đến môi trường. Các sự việc CSR liên quan đến vấn đề này khi bị phát hiện đều bị người dân tẩy chay kịch liệt. Đó là hậu quả của việc không đảm bảo trách nhiệm xã hội về môi trường sống xung quanh.
Trách nhiệm xã hội về đạo đức
Trách nghiệm xã hội trong đạo đức kinh doanh được xem là sẽ được xét trên 2 khía cạnh chính. Trước tiên đó là trách nhiệm về nộp thuế cho Nhà nước của doanh nghiệp. Nguồn thuế này sẽ trở thành quỹ hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn, phục vụ các nhu cầu xã hội như chăm sóc người già, xây dựng chùa chiền, cầu đường,… Thế nên, đây là trách nhiệm xã hội bắt buộc các doanh nghiệp cần thực hiện để đảm bảo có một xã hội tốt đẹp.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề thuế quan, đạo đức trong kinh doanh còn là chất lượng của sản phẩm, là uy tín của thương hiệu, là sức khỏe và sự hài lòng của khách hàng được đặt lên hàng đầu. Với sự nhận thức về sản phẩm ngày càng lớn của khách hàng, các sản phẩm kém chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng,… sẽ nhanh chóng bị tẩy chay. Do vậy chỉ khi doanh nghiệp đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt CSR mới đảm bảo sự phát triển của công ty, đồng thời cũng tạo cho người sử dụng có nhiều niềm tin hơn về cuộc sống.
Trách nhiệm xã hội về vấn đề
Trách nghiệm xã hội đối với nhân viên là một trong số những vấn đề căn bản mà bất cứ chủ doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm. Môi trường làm việc sạch sẽ, an toàn đi cùng với sự đối đãi tử tế giữa đồng nghiệp với nhau, sự tôn trọng giữa nhân viên dành cho sếp hay sự công bằng của sếp dành cho nhân viên. Tất cả đều đem đến lợi ích kinh tế không hề nhỏ cho doanh nghiệp. Thế nên, đôi khi CSR không phải là một trách nhiệm to tác, lớn lao nhưng lại vô cùng ý nghĩa và đáng thực hiện.
Trách nhiệm xã hội về sự tương trợ lẫn nhau
Khi nền kinh tế lâm nguy, nếu bạn là chủ doanh nghiệp lớn, bạn cần thể hiện vai trò và vị thế của một đàn anh trong nền công nghiệp. Đó có thể là sự giúp đỡ từ hiện kim cho đến hiện vật. Không những vậy, bạn có thể đóng góp thường niên vào các quỹ phúc lợi xã hội cho các mảnh đời khó khăn. Hoặc tổ chức giao lưu học hỏi phát triển về công nghệ, kỹ năng, hay đơn giản là các kiến thức về SEO, Affiliate marketing,…giữa các doanh nghiệp với nhau. Đó cũng là một trách nhiệm xã hội mà công ty nên có.
4. Các ví dụ về CSR ở Việt Nam
VinFast ra mắt ô tô điện “VF e34”
Vinfast – nhà sản xuất ô tô và xe máy điện nội địa đầu tiên của Việt Nam đã ra mắt xe ô tô điện VinFast VF e34 vào ngày 15/10/2021 nhằm giới thiệu giải pháp ứng dụng công nghệ mới hướng tới việc bảo vệ môi trường, cắt giảm khí thải ô nhiễm gây hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chiến dịch này cung cấp các kiến thức về vấn đề môi trường hiện nay nhằm gia tăng ý thức của người dân.
Vinamilk “Vươn cao Việt Nam”
Hãng sữa nổi tiếng Vinamilk – số 1 trong ngành sữa tươi tại Việt Nam là một trong những doanh nghiệp tiên phong cho phòng trào thực hiện CSR. Những chiến dịch ý nghĩa được công ty thực hiện có thể kể đến đó là Vươn cao Việt Nam, Một triệu cây xanh,…và còn rất nhiều các sự kiện, chương trình nhỏ lẻ khác.
Trên đây chỉ là những kiến thức căn bản trả lời cho câu hỏi CSR là gì?, đồng thời trả lời cho câu hỏi CSR là viết tắt của từ gì. Hy vọng bài viết này có thể giúp nâng cao ý thức của các chủ thể kinh tế trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Để biết thêm những thông tin hữu ích, vui lòng theo dõi những bài đăng tiếp theo của chúng tôi để được cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích hơn nữa.