Là những giảng viên công tác tại FPT Skillking, với những kinh nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy, anh Nguyễn Hoàng Giang và anh Ma Thành Công đã mang đến FPT Educamp 2019 một bài giảng về vấn đề “Nâng cấp số cho học viên không biết dùng máy tính”. Tiết học không chỉ là cơ hội để hai diễn giả chia sẻ kinh nghiệm tích lũy được bản thân mà còn là cơ hội để những người quan tâm tới Giáo dục cùng thảo luận và đưa ra ý kiến về vấn đề nêu trên.
Chung xu hướng phát triển trong thời đại 4.0, Tổ chức Giáo dục FPT cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động. Ngày hội FPT Educamp 2019 vừa qua là cơ hội để các cán bộ, giảng viên người FPT Edu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà cá nhân và các đơn vị đã trải qua và tích lũy. Trong không khí thi đua “chuyển đổi số”, diễn giả Nguyễn Hoàng Giang và Ma Thành Công của FPT Skillking đã đem tới hội thảo những kinh nghiệm thực chiến về việc “nâng cấp số” cho những học viên “không biết dùng máy tính”. Bên cạnh đó, hai diễn giả cũng chia sẻ về cách tạo hứng thú học tập cho 3 nhóm học viên trong lớp.
Xuất phát từ thực tế, các học viên của FPT Skillking thường có độ tuổi, kinh nghiệm làm việc đa dạng trước khi đến với lớp học, hai diễn giả Nguyễn Hoàng Giang và Ma Thành Công đã từng trực tiếp giảng dạy tại những lớp có nhiều học viên với xuất phát điểm khác nhau. Việc có thể thu hút, tạo hứng thú đối với tất cả các đối tượng với nền tảng kiến thức khác nhau là một việc không hề dễ dàng. Chính bởi vậy, hai diễn giả tới từ FPT Skillking đã phân chia các đối tượng học viên thành 3 nhóm để có thể có phương pháp giảng dạy phù hợp: Nhóm “không biết”, Nhóm “biết nhưng hiểu sai” và Nhóm “biết nhiều”. Theo hai diễn giả, dù là học viên thuộc nhóm nào thì điều cốt lõi để có thể thu hút được học viên, giúp học viên học tiến bộ và có thành quả đó chính là tạo cho họ có “cảm hứng học tập”.
Đối với nhóm học viên “không biết”, tức nhóm học viên còn chưa tiếp xúc nhiều với lĩnh vực được giảng dạy, cảm hứng học tập đến từ việc giúp họ đạt được kết quả càng nhanh càng tốt. Theo diễn giả Ma Thành Công phân tích, kết quả này không nhất định là kết quả gì quá cao siêu. Bởi vậy, giảng viên cần lựa chọn những bài học đơn giản, truyền tải tới học viên bằng ngôn ngữ đơn giản, tối giản các bước để đưa họ tới với những thành quả đầu tiên.
Đối với những giảng viên lâu năm, việc nhận biết nhóm học viên này trong lớp rất đơn giản nhưng không phải giảng viên nào cũng đủ tinh tế để làm điều đó. Chính bởi vậy, hai diễn giả cũng đưa ra một số đặc điểm của nhóm không biết: Có sự e dè xen lẫn háo hức, chỉ quen với việc đọc và chép, chưa từng đi làm ở lĩnh vực liên quan đến khóa học, chưa biết sử dụng các công cụ online và dùng máy tính chưa thành thạo.
Kết hợp giữa mục tiêu của giảng viên là cần giúp nhóm này đạt được những thành quả đầu tiên trong thời gian sớm nhất với những đặc điểm nhận thức của nhóm “không biết”, giảng viên cần đưa ra những phương pháp giảng dạy hiệu quả dành riêng cho nhóm học viên “không biết”. Ví dụ: Đối với các kỹ năng cơ bản, giảng viên có thể gửi link cài phần mềm, gửi video hướng dẫn, hỗ trợ qua TeamViewer nếu học viên vẫn gặp khó khăn. Còn đối với các kỹ năng nâng cao, giảng viên có thể cho học viên thời gian tự tìm hiểu phần mềm, sau đó cho học viên đặt câu hỏi và gom thành các nhóm để hướng dẫn chung. Trong quá trình hướng dẫn, giảng viên cũng cần chú ý sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, đồng thời cần có những giới hạn và quy tắc nhất định để có thể giải quyết công việc nhanh chóng.
Cũng tương tự đối với nhóm học viên “biết nhưng hiểu sai” và nhóm học viên “biết nhiều”, giảng viên cần đánh giá được đúng năng lực và có những cách thức giảng dạy phù hợp. Theo hai diễn giả, cảm hứng của nhóm “biết nhưng hiểu sai” đến từ việc hiểu được bản chất vấn đề/kiến thức đó, còn cảm hứng của nhóm “biết nhiều” đến từ việc liên tục được thử thách và đạt được kết quả thực tế.
Bên cạnh việc tạo được cảm hứng học tập cho học viên thông qua từng cách đào tạo riêng đối với từng nhóm, trộn nhóm khi teamwork để các bạn có thể hỗ trợ lần nhau, hai diễn giả còn nhấn mạnh rằng Giảng viên phải luôn tự học, tự phát triển, biết cách sắp xếp thời gian để có thể dành một khoảng thời gian nhất định ngoài giờ giảng support cho nhóm sinh viên.
Kinh nghiệm giảng dạy trên của hai diễn giả Nguyễn Hoàng Giang và Ma Thành Công đã nhận được nhiều sự chia sẻ của người FPT Edu, đặc biệt là các anh chị đang trực tiếp giảng dạy tại các đơn vị.
FPT Educamp là hội thảo mở được Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) tổ chức hàng năm để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Edu nói riêng. Là một tổ chức học tập, FPT Edu mong muốn tất cả những người tham gia đều có thể chia sẻ tích cực bằng các tham luận, câu hỏi, tranh luận, đóng góp ý kiến bên lề hội thảo chứ không chỉ dừng ở việc ngồi nghe.
Trở lại ở năm thứ 6, hội thảo năm nay với chủ đề “Chuyển đổi số trong Giáo dục” là một trong những hoạt động chào mừng 20 năm thành lập Tổ chức Giáo dục FPT. Hội thảo đã diễn ra trọn vẹn trong ngày 8/12 với phần trình bày tham luận của 62 diễn giả, 2 keynote và đông đảo người tham dự. |
Theo Hải Ngân (FPT Education)