Thông thường các doanh nghiệp nhỏ ít hoạch định cụ thể ngân sách hoạt động marketing theo tháng, theo năm mà chủ yếu dựa theo các hoạt động cụ thể. Vậy các doanh nghiệp nhỏ nên chi bao nhiêu tiền cho các hoạt động marketing của mình để vừa đảm bảo hiệu quả vừa cân bằng về doanh thu?
Ngân sách marketing là gì?
Ngân sách marketing phải bao gồm tất cả các chi phí cần thiết để tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, bao gồm quảng cáo in ấn, khuyến mãi, triển lãm trưng bày, truyền thông mạng xã hội, các mẫu sản phẩm miễn phí, PR, chi phí sự kiện…
Ngân sách marketing trung bình cho một doanh nghiệp nhỏ khác nhau tùy thuộc vào ngành, quy mô doanh nghiệp và mục tiêu tiếp thị.
Xác định ngân sách marketing như thế nào?
Không có một mức phi phí cụ thể nào cho các hoạt động marketing của doanh nghiệp. Bạn có thể xây dựng ngân sách cho các hoạt động marketing dựa vào các yếu tố dưới đây:
Dự toán doanh thu
Để xác định được ngân sách marketing, trước tiên bạn cần dự toán được doanh thu của doanh nghiệp để có thể cân đối ngân sách. Một số chuyên gia tiếp thị cho rằng các công ty mới thành lập và các doanh nghiệp nhỏ chỉ nên phân bổ từ 2% – 3% cho các hoạt động tiếp thị và quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tiếp thị khác lại đề xuất tỷ lệ 7%-10% tổng doanh thu. Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ đang chi nhiều hơn cho các hoạt động marketing. Theo số liệu báo cáo của Deloitte, các doanh nghiệp đang chi khoảng hơn 13% tổng ngân sách cho các hoạt động marketing.
Xác định giai đoạn kinh doanh
Thông thường, các công ty mới thành lập là những công ty cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị để thu hút khách hàng và xây dựng thương hiệu. Khi mới thành lập, công ty bạn chỉ là một trang giấy trắng trong mắt khách hàng, chính vì thế cần đầy mạnh các hoạt động marketing để vẽ nên trong mắt khách hàng về thương hiệu, công ty, sản phẩm, dịch vụ… của bạn. Đối với những công ty mới hoạt động, ít nhất 12-20% doanh thu nên được phân bổ cho hoạt động tiếp thị.
Các công ty đã thành lập lâu thì không cần phải đẩy mạnh hoạt động marketing mạnh như vậy nữa vì khách hàng đã biết đến và có lượng khách hàng cũ nhất định. Tuy nhiên, các hoạt động marketing cũng cần phải được chú trọng để nhắc nhở trong tâm trí khách hàng về sự tồn tại, những sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời của bạn. Thông thường, ít nhất 6-12% tổng doanh thu của doanh nghiệp nên được phân bổ cho hoạt động marketing trong trường hợp này.
Nghiên cứu sự cạnh tranh trong ngành
Ngân sách marketing của doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào mức độ và tính chất cạnh tranh trong ngành. Nếu ở giữa các đối thủ có hoạt động marketing mạnh mẽ, bạn cũng cần phải đầu tư nhiều hơn vào ngân sách marketìn để bắt kịp và tỏa sáng hơn đối thủ.
Lựa chọn các kênh tiếp thị
Không phải mọi kênh tiếp thị đều phù hợp với doanh nghiệp của bạn. Cần xác định các kênh nào phù hợp nhất với mô hình kinh doanh, USP và thị trường ngách của doanh nghiệp để tập trung các hoạt động truyền thông hiệu quả, tạo ra sự khác biệt lớn.
Ngân sách chi ra cho hoạt động marketing chính là một khoản đầu tư lâu dài cho doanh nghiệp. Bằng cách đầu tư vào ngân sách marketing, doanh nghiệp của bạn có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn, kết nối với nhiều khách hàng tiềm năng và đem lại doanh thu. Chính vì thế, ngân sách cho hoạt động marketing là một điều doanh nghiệp phải chú trọng.