Trong bối cảnh chuyển đổi số, phụ huynh và học sinh đều chung một vấn đề là “Chọn ngành nghề nào trong lúc này là đúng nhất và nhu cầu nhân lực trong tương lai có thay đổi thế nào?”.
Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh và thí sinh đặc biệt lưu tâm trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề. Ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM, xin được chia sẻ sự quan tâm chung như sau:
Chọn nghề là một quá trình tác động rất nhiều yếu tố… Việc chọn nghề sẽ căn cứ vào thực trạng nghề nghiệp ở hiện tại, cũng như dựa vào con số thống kê, dữ liệu dự đoán ngành nghề nào đó có xu hướng và khả năng, cơ hội tìm việc làm tốt nhất, kết hợp với việc ngành nghề đó có phù hợp với năng lực, tính cách của người đang chọn hay không.
Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là: Năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Bởi vì, nếu có đủ năng lực đáp ứng và sự say mê theo đuổi ngành học và nghề nghiệp dự định thì dù trên con đường học tập hay thậm chí cả trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp những khó khăn, trở ngại, các em sẽ tự nỗ lực để vượt qua, thay vì buông xuôi.
Dù ở trình độ nghề nghiệp bất kỳ cấp bậc học và tốt nghiệp (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp nghề), điều cơ bản quyết định thành tựu cao, trung bình hoặc thấp… của mỗi người trong thị trường lao động là “Năng lực nghề nghiệp”.
Một người có năng lực nghề nghiệp là người có thể hoàn thành các công việc được giao với chất lượng cao. Năng lực được đo đếm bởi kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ nghề nghiệp, và cụ thể hơn là phải đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp.
Dưới đây là “Top 12 ngành nghề” với nhu cầu tuyển dụng nhân lực lớn giai đoạn 2022 – 2030 gắn với sự phát triển Kinh tế số của xã hội:
1. Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin quản lý.
2. Công nghệ kỹ thuật Cơ khí (Cơ điện tử, chế tạo máy, nhiệt, Công nghệ kỷ thuật Ô tô – Tàu thủy), Tự động hóa, Điện – Điện tử, Công nghệ Hàn, Công nghệ Dệt – Sợi – May, Quản lý công nghiệp, Bảo dưỡng công nghiệp.
3. Kiến trúc – Kiến trúc cảnh quan – Kiến trúc đô thị, Thiết kể đồ họa, Thiết kế ánh sáng, Thiết kế thời trang, Mỹ thuật ứng dụng, Truyền thông đa phương tiện, Cấu trúc thông tin.
4. Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Khoa học môi trường, Khoa học và công nghệ vật liệu.
5. Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học – Hóa (dược, sinh, mỹ phẩm, thực phẩm…).
6. Công nghệ nông – lâm (Khoa học cây trồng, Quản lý đất đai, Khoa học môi trường, Chăn nuôi – thú y, Lâm sinh, công nghệ sau thu hoạch), Công nghệ thủy – hải sản (nuôi trồng, chế biến).
7. Kinh tế – thương mại, Quản trị kinh doanh – thương mại điện tử, Digital Marketing, Logistics, Quản trị nhân lực, Quản trị doanh nghiệp, Kinh doanh nông nghiệp, Quản lý bệnh viện, Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo.
8. Tài chính kế toán, Kiểm toán, Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp.
9. Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hướng dẩn viên du lịch. Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
10. Khoa học xã hội – tâm lý, Luật, Ngôn ngữ (Biên dịch – phiên dịch viên tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn).
11. Sư phạm kỹ thuật và Sư phạm giáo dục, Quản lý giáo dục.
12. Y, Dược, Điều dưỡng, Nha khoa. Kỹ thuật y học, Y tế công cộng và quản lý y tế, Thẩm mỹ – chăm sóc sắc đẹp, Công nghệ dưỡng sinh.
Nguồn: Thầy Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. HCM)