Người lao động đang làm việc hay sinh viên mới ra trường luôn có 3 yếu tố gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, đó chính là kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thái độ làm việc. Đặc biệt, yếu tố mà các tập đoàn, công ty lớn ở Việt Nam kỳ vọng nhiều nhất đối với các nhân sự trẻ chính là thái độ tốt (sự kiên trì, bền bỉ, sự tận tâm, sẵn sàng phục vụ người khác, sự tin cậy…), chiếm tới 93%.
Theo đó, thái độ thể hiện xu hướng phản ứng của nhân sự đối với môi trường làm việc, gắn với nhận thức, cảm xúc và hành vi. Những thái độ tích cực như ham học hỏi, năng động, nhiệt huyết, đam mê thử thách và chăm chỉ nhiệt tình luôn nhận được niềm tin từ phía nhà tuyển dụng.
Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ, những ứng viên tìm việc làm với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết có rất nhiều. Nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp thì lại rất ít.
Bên cạnh đó, có một số đặc điểm biến đổi so với trước đây do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi sự thay đổi trong công nghệ kỹ thuật số hay sự chuyển đổi ngành nghề, để phù hợp thị trường lao động đang phát triển và hội nhập… Do đó, lao động tay nghề cần phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp như:
Về năng lực nghề nghiệp (am hiểu và ứng dụng nghề, thích ứng môi trường làm việc, dễ đào tạo nâng cao…); Kỹ năng đặc biệt, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và hài hòa áp lực công việc.
Người lao động cần có kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Đồng thời, phải hiểu và ứng dụng thiết bị công nghệ bao gồm công nghệ thông tin; Sử dụng tốt 01 ngoại ngữ; Hiểu biết cụ thể về pháp luật và thị trường lao động.
Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao cũng cần có những năng lực cốt lõi, đặc biệt là năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ số. Song song đó, các tiêu chí nhân lực chất lượng cao mang tính quốc tế cần phải đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường, thích nghi nhanh, dễ chuyển đổi điều kiện công việc, dễ đào tạo nâng cao, kỹ năng mềm, ngoại ngữ thành thạo, năng suất lao động cao…
Đặc biệt chú trọng những kỹ năng mềm về nhận thức, tư duy phản biện, sáng tạo ý tưởng, ra quyết định đúng đắn trong nhiều môi trường thử thách, biến động… Nhìn chung, sự kết hợp của công nghệ kỹ thuật số, vật chất và sinh học không chỉ tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động, mà còn hội tụ tất cả các kỹ năng xã hội và sáng tạo.
Hơn nữa, xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu cũng yêu cầu người lao động có những kỹ năng chuyên sâu mang tính toàn cầu hơn. Cụ thể, để cạnh tranh trong thời đại mới, người lao động cần sử dụng được nhiều hơn một ngôn ngữ, những kỹ năng phù hợp thực tế cũng cần được phát triển, để người lao động có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia với các đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Vấn đề quan trọng là phải dựa trên nền tảng chuyển đổi số như hiện nay để đào tạo cho người lao động ngày càng trở nên phù hợp hơn, tiếp cận nhanh hơn, dễ dàng hơn, khả năng thích ứng cao hơn với xã hội trong thời đại công nghệ số.
Mới đây, tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã công bố 10 kỹ năng hành nghề hàng đầu cho năm 2025, cho thấy có nhiều điểm khác biệt so với năm 2020. Trong đó, 5 kỹ năng thuộc nhóm giải quyết vấn đề, 2 kỹ năng thuộc nhóm tự quản lý, 2 kỹ năng thuộc nhóm sử dụng và phát triển công nghệ và 1 kỹ năng tương tác.
Như vậy, theo dự báo, đến năm 2025 sẽ tập trung chủ yếu vào các kỹ năng tự quản lý và giải quyết vấn đề thông qua nền tảng công nghệ.
Do đó, đối với học sinh – sinh viên cần phải xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và đề ra hướng phát triển nghề nghiệp đúng đắn, không ngừng làm giàu kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp… để kịp thời tiếp cận với xu thế mới của thị trường lao động một cách bền vững và nhanh chóng.
Trần Anh Tuấn
(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế
Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh)
Nguồn: Eranet.vn